Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

thép.bvb: + Buông và nắm

thép.bvb: + Buông và nắm: Đoàn xe đi theo lãnh đạo thăm cơ sở Lãnh đạo là kỳ vọng của mọi người, dù bất cứ ở cấp n...

nguoilotgach: Chùm thơ về Tiên Lãng--TIÊN LÃNG THI TỨ(Bùi Văn Bồ...

nguoilotgach: Chùm thơ về Tiên Lãng--TIÊN LÃNG THI TỨ(Bùi Văn Bồ...:   TIÊN LÃNG THI TỨ     Bùi Văn Bồng Đại tá, nhà thơ Bùi Văn Bồng    TRĂM NĂM TRONG CÕI ĐẤT ĐAI Chắp tay lạy cụ Nguyễn Du Mư...

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại


Sáng 17/4, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã làm việc với huyện Củ Chi kiểm tra kết quả sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (đứng) phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (đứng) phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Ngay sau đại hội, Huyện đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình, chuyên đề trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và kéo giảm tai nạn giao thông; về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về tăng cường lãnh đạo nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và phổ cập giáo dục các bậc học…
Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Bu cho biết: Bình quân trong 2 năm (2010-2011), giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại – dịch vụ có mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 8,31% (2010) và tăng 15,55% (2011); thương mại – dịch vụ tăng 28,48% (2010) và tăng 41,48% (2011); nông nghiệp tăng 12% (2010) và tăng 7,1% (2011).
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao như hoa lan, cây kiểng, rau an toàn, bò sữa, heo, cá sấu, nhím, trăn, rắn, cá kiểng. Trên địa bàn huyện hiện có 25 hợp tác xã, 8 khu và 2 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tính đến thời điểm này, đã có 20% diện tích khu công nghiệp được lấp kín, đạt 50% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; 68,9% diện tích cụm công nghiệp được lấp kín, đạt 172,3% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được đầu tư xây dựng, trong đó tập trung vốn cho các công trình, dự án như xây dựng trường học, trạm y tế và một số công trình cấp bách như phòng chống lụt bão, thủy lợi, phát triển giao thông nông thôn phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 2 năm 2010-2011 là 1.111 tỷ đồng, đạt 34,7% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Công tác chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo kết hợp công tác hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn cho hộ nghèo phương thức phát triển kinh tế hộ gia đình được quan tâm chu đáo. Kết quả, từ đầu năm 2010, toàn huyện có 22.630 hộ nghèo thì đến cuối năm 2011, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 12.589 hộ, chiếm 13,3% tổng số hộ dân của huyện.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí đề nghị huyện Củ Chi cần làm tốt công tác quy hoạch, tận dụng lợi thế về quỹ đất để phục vụ cho yêu cầu phát triển. Tăng dần chất lượng đàn bò sữa, tiến tới liên kết với tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước trong việc chăn nuôi và khai thác bò sữa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người dân.
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng, Củ Chi là địa phương thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ bằng những chương trình, chuyên đề cụ thể nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Đồng chí lưu ý, Củ Chi có nhiều thế mạnh riêng so với các huyện ngoại thành khác của TP, tốc độ đô thị hóa khá nhanh, do đó huyện cần nhanh chóng hoàn thành công tác quy hoạch chung tạo đà cho sự phát triển; Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra.
Đồng chí Lê Thanh Hải cũng yêu cầu huyện cần tăng cường thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giải quyết tốt các tệ nạn xã hội để bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Đừng bỏ lỡ thông điệp blog này!

Đừng bỏ lỡ thông điệp blog này!

ĐẤT LÀ CỦA DÂN


Đất ơi lam lũ bao đời
Mồ hôi và máu đã rơi thấm đầy
Còng lưng trên những luống cày
"Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần"
Cổ kim gắn bó nông dân
Đất đai vốn quí muôn lần ngọc châu
Từ Nam Quan đến Cà Mau
Tử sinh không thể xa màu đất nâu
Lúa khoai thì khó mà giàu
Mồ hôi và máu dễ đâu coi thường
Đất là máu thịt quê hương
Ruộng vườn sâu nặng yêu thương nghĩa tình

Là nơi dân chúng mưu sinh
Phải luôn biết tự nhắc mình thanh liêm
Đừng mờ mắt vì bạc tiền
Tràn lan quy hoạch gây phiền lòng dân
Đất nông nghiệp quí bội phần
Đang tâm bán chẳnng ngại ngần băn khoăn (!?)
Rao đi bán lại nhiều lần
Dân nghèo, đất có đến phần ai đâu
Quan giàu tích đất thêm giàu
Còn dân mất đất đi đâu làm gì?
Đất trồng trọt bị bán đi
Nông dân hỏi sống bằng gì hỡi quan?
Không nghề nghiệp, chẳng việc làm
Đền bù liệu được mấy năm chợ trời?
Vì nông dân có mấy lời
Đừng nên tùy tiện thu hồi đất dân!
Dọc tiếp

NẤM MỐI ĐẶC SẢN QUÝ HIẾM XỨ MIỆT VƯỜN NAM BỘ

Bùi Văn Bồng

Từ thưở còn thơ tôi đã biết một số loài nấm. Như nấm rơm, nấm rạ, nẩm bột, nấm chỉ, nấm tán dù…Mỗi khi rảnh rỗi, bố tôi thường đi quanh ruộng, bờ ao, vườn cây kiếm nấm về chế biến các món ăn, thật tuyệt. Bố tôi bảo: “Thường thì nấm màu trắng, ăn lành. Còn nấm màu đỏ, màu đen dễ bị ngộ độc”. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi nghe bài hát: “Tháng Ba Tây Nguyên”, trong đó có câu: “Sớm sớm mẹ ra rừng, theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối”. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đi khắp mọi miền. Lên Tây Nguyên, hỏi về câu hát “theo dấu chân rùa…”, ông già bản làng Ba Na giải thích: “Con rùa nó thích ăn cái nấm mối. Cho nên, cứ theo dấu chân rùa là tìm đến nơi có nấm mối”. Tiếc là tôi lên Tây Nguyên kỳ đó vào tháng Tám, không phải mùa nấm mối, cũng không được thấy và chưa được thưởng thức vị ngon của nấm mối.

Mới đây, ông Ba Chinh, một nhà vườn quen biết ở Bến Tre đến Cần Thơ thăm tôi, mang theo túi quà chừng hơn 2kg nấm mối. Tôi rất mừng. Đã bao năm rồi, nay mới nhìn thấy và được thưởng thức món đặc sản này. Tôi nói:
- Thứ này, nghe nói hiếm và đắt lắm, tại sao ông cho tôi nhiều thế?
Ông Ba cười xởi lởi:
- Ngoài chợ bây giờ giá 500.000 đồng một ký lô (kg), nhưng cũng phải hẹn mối trước mới có nấm mối. Tui đâu có mua, thứ này mới hôm qua mới lượm trong vườn nhãn nhà tui đó.
Có lẽ ông Ba dùng từ “lượm” là chuẩn xác. Lượm nấm, không phải hái nấm. Hái, tức là còn để lại chút gốc, chút cành. Còn nấm mối có cái nào mọc lên dù to hay nhỏ là nhổ luôn. Ông Ba chỉ cho bà xã nhà tôi cách chế biến nấm mối. Ăn thật ngon tuyệt. Nó mềm, hơi giòn, chưa ăn đã có hương thơm rất lạ bốc lên, ăn thấy ngọt đầu lưỡi, rồi cái vị ngọt hậu cứ thấm đẫm trong miệng. Đúng là “Ăn một lại muốn ăn hai / Ăn ba ăn bốn lại nài ăn năm…”. Được ăn nấm mối, tôi mới thốt lên: “Thảo nào mà người ta gọi nấm mối là cao lương mỹ vị”. Nghe vậy, ông Ba cười sảng khoái.

Có thể nói nấm mối là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho miền quê sông nước Cửu Long. Nhưng chỉ có ở xứ miệt vườn cây trái. Nhắc đến “đất nấm” phải kể đến Bến Tre, vùng đất “ba dải cù lao” nằm giữa vùng hạ lưu sông Tiền, nơi nổi tiếng là miệt vườn bát ngát cây ăn trái suốt bốn mùa. Nấm mối chỉ mọc ở những nơi có ụ mối. Không biết khoa học nghiên cứu các chất trong nấm mối thế nào, nhưng người dân địa phương nói là con mối khi đùn đất lên thành gò mối có tiết ra chất nước bọt từ miệng nó cạp đất. Nhờ chất đó mà sinh ra nấm mối. Tùy ụ mối lớn hay nhỏ mà ổ nấm mọc nhiều hay ít.Vườn cây lâu năm mới có nhiều nấm mối. Nay người ta cải tạo vườn tạp, thường xuyên cuốc xới, làm mất các gò mối, nên nhiều khu vườn cũng ít nấm mối hơn trước.
Không giống các loại phổ biến như nấm rơm, nấm mèo… có thể trồng quanh năm bằng meo nhân tạo, bằng kỹ thuật ủ đất mùn, nấm mối chỉ có một mùa duy nhất trong năm và hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Không có mối làm ụ trong vườn thì không có nấm mối. Đến nay vẫn chưa có kỹ thuật tạo giống và trồng được nấm mối. Khi những cơn mưa đầu mùa tưới lên đất khô, gió trở mùa làm không khí bốc mùi đất ẩm, người ta gọi đây là “gió nấm”. Có người rất thính mũi, ngửi thấy mùi nấm từ xa, nhưng có người đạp lên nấm mọc trước mắt mà không hay, vì gò mối ở xứ này có nhiều đất sét trắng, nấm mối cũng màu trắng, khó nhận biết. Người dân địa phương còn nói rằng tùy vía mỗi người, không phải ai cũng dễ nhìn thấy nấm mối.
Mùa nấm ở miệt vườn Nam bộ rất ngắn, chỉ trong hơn một tháng nấm bung rộ. Thường bắt đầu có nấm mối vào cuối tháng Tư, khi những trận mưa đầu mùa bắt đầu làm ẩm mặt đất, rồi nấm mọc nhiều vào tháng Năm và lai rai đến quá nửa tháng Sáu. Mưa bụi ở xứ này bà con gọi là mưa nấm mối. Mưa rào, mưa dầm nấm mối cũng ít mọc. Nấm mối mọc nhiều sau tết Đoan Ngọ (5-5 ÂL), chỉ 2-3 tuần là mọc rộ, không biết tranh thủ thời điểm sẽ không tìm được nấm mối.
Nấm mối ngon nhất vẫn là nấm mọc ở xứ dừa Bến Tre. Nấm mối ở vùng này nhỏ xíu, mọc lúp xúp sát mặt đất, nhỏ thì như ngón tay út, lớn thì bằng ngón cái, tán nấm lớn nhất chỉ 3cm, cao chừng 2-5cm. Chân nấm mối màu phơn phớt hồng, thân và tán màu trắng hoặc nâu nhạt, nhỏ hơn nấm rơm, trông mập mum múp. có khi nấm mọc kéo dài cả đám 2- 4m2, có khi gom lại như cái nia tròn. Tai nấm thường có màu nâu sậm, nhưng cũng có loại trắng tinh (gọi là nấm nếp), chỉ khác màu thôi chứ chúng đều ngon cả. Nhổ nấm cũng phải biết kỹ thuật. Nếu nấm mọc chỗ đất cứng thì phải lay nhẹ từ từ hoặc dùng cành cây cạy đất, nhổ được hết phần gốc nằm sâu trong đất.
Điều đáng chú ý là không được dùng dao, vì có “hơi sắt” sẽ làm mối bỏ đi, năm sau nấm không mọc nữa. Ban đầu nấm nhỏ như cái đinh có mũ nhọn xuyên qua đất thành nấm. Ngày đầu nấm mọc còn rất nhỏ, người ta gọi là “nấm nứt đất” không thu hái lúc này. Sau 2 ngày nấm phát triển to lên thành “nấm búp” mình nấm tròn mập, mũ nấm bung ra, hơi cứng, đây là lúc chất lượng nấm tốt nhất, ngọt, giòn, rất thơm.
Nấm nhổ lên cạo rửa sạch đất, lớn thì chẻ làm đôi, nhỏ thì để nguyên tai, ngâm chút nước muối là sạch, sau đó tùy ý thích mà chế biến. Thực đơn về nấm cũng rất phong phú, có đến hàng chục món. Khi chế biến, không nên nêm nhiều gia vị để giữ hương vị thơm ngon tươi nguyên của nấm. Dù là món gì, gắp miếng nấm mối nhai chầm chậm để vừa cảm nhận được cái giòn sần sật và vị ngọt thanh, đậm đà của nấm tiết ra đầu lưỡi, rất đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Ở quê, người ta hay dùng những thứ rau, củ, quả có sẵn trong vườn để chế biến với nấm. Dễ nhất là nấu cháo nấm. Ngày mưa rả rích, có tô cháo nấm bốc khói thơm lừng thì còn gì bằng. Để ăn với cơm có các món nấm kho tiêu, xào sả ớt, xào bầu, bí, mướp hay nấu canh tập tàng (gồm nhiều loại rau mọc ở vườn như cải trời, rau má, mồng tơi, rau ngót…) đều ngon.
Món canh nấm nêm bằng muối ớt, đặc biệt là ớt hiểm chín đỏ, đâm nhuyễn với muối, nêm một ít vào canh và để làm món chấm. Vị cay nồng ấm của ớt càng làm tô canh nấm ngọt đậm hơn. Xứ dừa còn có món đặc sản là nấm um lá cách, ướp bằng nước cốt dừa (giống như lươn um). Nó được kết hợp vị ngọt của nấm và vị béo của dừa thì thơm ngon khó tả. Đậm đà hơn là nấm xào tôm tươi, xào thịt ba chỉ với lá cách hoặc lá gừng thái nhỏ. Còn trong các món ăn ngon phải kể đến đến bánh xèo nhân nấm mối, nấm lăn bột…




Hiện tại ở vùng ĐBSCL, nấm mối có nhiều ở miệt vườn cây ăn trái tại các địa phương như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang,…
Nấm mối không chỉ là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có tác dụng chữa bệnh, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, chống lão hóa và có khả năng ức chế tối đa sự sinh trưởng của các virus...Theo y học cổ truyền, nấm mối có vị ngọt, tính mát có giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời còn có tác dụng ngừa sỏi thận, giúp thanh nhiệt, nhuận tràng, giảm được bệnh nhiễm mỡ trong máu, chữa bệnh cao huyết áp, mát gan, tăng tiết sữa cho phụ nữ sau khi sinh, giúp ăn ngon miệng, dễ ngủ, tiêu hóa tốt.
Các nhà hàng đặc sản lớn ở BBến Tre, Cân Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho thường phải có mối hàng, đặt tiền trước cho dân miệt vườn tìm hái nấm mới có nấm mối. Mỗi đĩa nấm mối xào lá cách nho nhỏ giá 300 ngàn đồng, nhưng không phải lúc nào cũng có./.

04/2012

ÁO BÀ BA

Tự bao giờ áo bà ba
Đi vào câu hát dân ca quê mình
Em xinh – cái dáng càng xinh
Áo bà ba nữa cho tình thêm say

Hết tiền thiếu gạo đi vay
Chưa nhìn thấy áo nửa ngày đã mong
Ai cho vay được nỗi lòng?
Vắng em chỉ biết nhìn dòng sông trôi
Dịu dàng đến thế.Người ơi!
Để chiều sông Hậu lá rơi chạnh lòng
Dòng sông thì rộng mênh mông
Áo em lại thắt eo hông làm gì

Khen ai khéo chiết đường ly
Để cho tà áo thầm thì lời quê
Diệu kỳ tà áo đam mê
Cho xuồng ba lá xuôi về bến mơ

Áo tình và cũng áo thơ
Áo nên duyên, áo đợi chờ là em
Chẳng ai chuốc rượu đưa men
Mà sao ra bến lại quên lối về? (BVB)

VỊ TÁO VƯỜN QUÊ


… Em hái tặng anh quả táo đầu mùa

Táo còn xanh và em còn trẻ quá…

Táo vườn em hái tặng anh

Quả vừa tròn dáng trên cành non tơ

Mắt đằm thắm lại ngây thơ

Anh không dám nhận ngẩn ngơ gió vườn


Bỗng dưng đôi mắt thoáng buồn

“Ứ… ừ, em giận anh luôn bây giờ!”

Nắng vườn chiều ấy vàng mơ

Cành xanh mở lá đợi chờ gió lên


Táo vườn như thể táo tiên

Ăn vào như bị thôi miên mấy ngày

Dáng em vin níu cành cây

Tóc em óng mượt ướp đầy hương chanh


Chỉ là một quả táo xanh

Bao năm lòng dạ quẩn quanh với người

Không cần câu nói chào mời

Chỉ là ánh mắt trao lời yêu đương


Trẻ trai buổi ấy lên đường

“Có thương ai đừng để thương thương hoài

“Trường Sơn đèo dốc đường dài

“Khổ thân con gái đợi ngoài hậu phương” …


Thư từ thất lạc khó lường

Lại thêm khói lửa chiến trường triền miên

Nhớ vườn táo lại cố quên

Tình riêng tạm để một bên vội gì…


Cái thời sao nghĩ cũng kỳ

Yêu nhau gác lại cũng vì tình yêu!

Bây giờ tuổi đã xế chiều

Tình đầu buổi ấy như diều đứt dây


Táo chưa mùa chín cầm tay

Như là mắc nợ tự ngày xa xưa

Trách mình lại trách gió mưa

Thương người cho táo lời chưa ngỏ lời.